Peel Da là gì? Có tốt không? Có nên Peel da hay không?

Được phát hành
Peel Da là gì? Có tốt không? Có nên Peel da hay không?

Peel da là một trong những phương pháp làm đẹp được ưa chuộng để giúp tái tạo da, giúp làm sạch tế bào chết, đem lại vẻ đẹp rạng rỡ từ bên trong với hiệu quả rõ rệt. Vì thế, những hoạt chất peel được hội chăm da tìm kiếm và sử dụng rất nhiều. Bài viết dưới đây của Obagi sẽ giúp bạn nhập môn "peel da" thành công.

Peel da là gì?

Peel da (còn gọi là lột da) là phương pháp loại bỏ lớp trên cùng của da hoặc những vùng da bị tổn thương, nhằm thúc đẩy quá trình tái tạo làn da mới. Peel da hiệu quả sẽ giúp làn da trở nên trẻ trung, đầy đặn, có độ đàn hồi, đồng thời kiểm soát để hạn chế sự tạo sẹo hoặc thay đổi sắc tố trong quá trình làm tổn thương da. 

Peel da hoá học là gì?

Peel da hóa học là phương pháp sử dụng các hoạt chất để tẩy đi lớp tế bào chết trên da, tạo tổn thương có kiểm soát theo từng độ sâu phù hợp với từng loại hóa chất. Peel da hóa học sẽ kích thích quá trình chữa lành của da, từ đó thúc đẩy tạo tế bào da mới, tăng sinh collagen, mô liên kết và protein cho da. 

Peel da hóa học là phương pháp sử dụng các hoạt chất để tẩy đi lớp tế bào chết trên da
Hình 1. Peel da hóa học là phương pháp sử dụng các hoạt chất để tẩy đi lớp tế bào chết trên da

    Phân loại peel da

    Việc lựa chọn thực hiện peel da mức độ nào tùy thuộc vào vấn đề trên da và loại da của mỗi cá nhâ. Peel da thường được phân loại dựa vào độ sâu của vết thương do thủ thuật này tạo ra trên cấu trúc làn da. 

    Cấu trúc da gồm có 3 lớp chính: 

    • Lớp thượng bì (epidermis). 
    • Lớp trung bì (dermis) gồm 2 phần: phần trên là lớp nhú, phần dưới là lớp lưới. 
    • Lớp hạ bì/mô dưới da (hypodermis/subcutaneous). 

    Dựa vào cấu trúc này, peel da hóa học được chia thành ba loại như bảng dưới đây: 

    Phân loại Mức độ tác động Công dụng Hoạt chất sử dụng
    Peel da nông Giữa lớp thượng bì đến lớp màng đáy Loại bỏ tế bào chết để làm sạch da, sáng da và loại bỏ cồi mụn trên da mặt. AHAs: glycolic (30–50%), lactic (10–30%), mandelic (40%)
    BHAs: salicylic acid (30%)
    AKAs: pyruvic acid (50%)
    Peel da trung bình Toàn bộ lớp thượng bì đến lớp nhú ở trung bì Loại bỏ tế bào chết, giúp hình thành lớp da mới. Từ đó điều trị nếp nhăn, sẹo mụn và cải thiện da không đều màu. Salicylic acid (>30%, thoa nhiều lớp)
    Glycolic acid (70%, có hoặc không lớp nền trước đó như dung dịch Jessner)
    TCA (30–50%, một lớp, có hoặc không lớp nền trước đó như dung dịch Jessner)
    Peel da sâu Toàn bộ lớp thượng bì, lớp nhú đến giữa lớp lưới ở trung bì. Trong đó, lớp lưới ở trung bì là vị trí xảy ra quá trình hình thành nếp nhăn và quyết định độ căng của da. Điều trị nếp nhăn, lỗ chân lông to, vết thâm nám, làm trắng da. TCA (>50%, thoa một lớp, dùng một lớp nền trước đó như dung dịch Jessner)
    Peel phenol

     

    Peel da có tốt không? 

    Tuỳ theo mức độ tác động, peel da có thể đem đến những lợi ích như: 

    • Trẻ hóa da, cải thiện các tình trạng lão hóa như: nếp nhăn, da chảy xệ, đốm nâu,... 
    • Giải quyết tình trạng mụn: mụn trứng cá, thâm mụn, sẹo mụn. 
    • Làm sáng da, đều màu da, điều trị rối loạn sắc tố: nám, tăng sắc tố sau viêm, các vết thâm, tàn nhang. 
    • Cải thiện tình trạng dày sừng. 
    • Điều trị các tình trạng sẹo. 
    • Làm lành các tổn thương thượng bì tiền ác tính.
    Tuỳ theo mức độ tác động, peel da có thể đem đến những lợi ích
    Hình 2. Tuỳ theo mức độ tác động, peel da có thể đem đến những lợi ích khác nhau

    Nhược điểm của việc peel da là gì

    Bên cạnh những lợi ích đã nêu, peel da cũng tồn tại một số hạn chế mà bạn cần cân nhắc:

    • Không phải mọi loại da đều phù hợp với peel: Việc thực hiện peel da phụ thuộc vào tình trạng và tính chất của làn da. Bác sĩ da liễu cần đánh giá kỹ trước khi quyết định có nên peel da hay sử dụng các phương pháp chăm sóc da khác.
    • Chọn cơ sở uy tín là yếu tố quan trọng: Mặc dù peel da là một quy trình đơn giản, nhưng hiện nay, nhiều cơ sở thẩm mỹ và thậm chí các tiệm làm tóc, gội đầu cũng cung cấp dịch vụ này. Để tránh tình trạng da trở nên xấu đi, bạn nên lựa chọn những địa điểm có uy tín và chuyên môn.
    • Chăm sóc da sau khi peel: Làn da sau peel trở nên rất mỏng manh và nhạy cảm. Việc bảo vệ da khỏi các tác động từ môi trường như khói bụi và ánh nắng mặt trời là điều vô cùng quan trọng. Nếu bạn không thể đảm bảo chăm sóc đúng cách sau peel, hãy cân nhắc kỹ lưỡng trước khi thực hiện.
    • Peel da có thể gây “nghiện”, dẫn đến lạm dụng: Hiệu quả nhanh chóng và chi phí hợp lý của peel da khiến nhiều người yêu thích và thậm chí lạm dụng phương pháp này. Tuy nhiên, bạn nên tuân thủ liệu trình mà bác sĩ da liễu đưa ra, vì lạm dụng peel da có thể gây hại cho làn da về lâu dài.

    Quy trình thực hiện peel da chuẩn khoa học

    Để đảm bảo an toàn và hiệu quả trong quá trình peel da, bạn cần chuẩn bị các dụng cụ sau:

    • Sản phẩm peel da phù hợp với nồng độ thích hợp cho tình trạng da của bạn.
    • Cọ quét dạng rẽ quạt giúp thoa sản phẩm lên da đều và nhanh chóng.
    • Vaseline để bảo vệ các vùng da nhạy cảm như hốc mắt, môi, cánh mũi, tránh tiếp xúc với hoạt chất peel da.
    • Bông tẩy trang, khăn sạch, đá lạnh để làm dịu da kịp thời nếu có kích ứng.
    Để đảm bảo an toàn và hiệu quả trong quá trình peel da, bạn cần chuẩn bị các dụng cụ

    Hình 3. Để đảm bảo an toàn và hiệu quả trong quá trình peel da, bạn cần chuẩn bị các dụng cụ đầy đủ

    Các bước peel da cụ thể như sau:

    Bước 1: Tẩy trang và làm sạch da

    Loại bỏ lớp bụi bẩn và bã nhờn trên da giúp da dễ dàng hấp thụ dưỡng chất từ sản phẩm peel.

    Bước 2: Bảo vệ vùng da không cần peel

    Thoa vaseline lên những vùng da nhạy cảm như khóe mũi, khóe miệng, khóe mắt, và che phủ mắt bằng gạc để tránh dung dịch peel tiếp xúc với các khu vực này.

    Bước 3: Thực hiện peel da

    Thoa một lớp dung dịch peel phù hợp lên da đã làm sạch. Chọn loại hóa chất peel phù hợp với nhu cầu và tình trạng da.

    Bước 4: Làm sạch, làm lạnh và phục hồi da sau peel

    Lau sạch da bằng khăn lạnh, ủ mặt trong vài phút để làm dịu da, sau đó thoa kem dưỡng ẩm để phục hồi và bảo vệ làn da.

    Bước 5: Chăm sóc da sau peel

    Áp dụng chế độ chăm sóc phù hợp theo liệu trình peel da mà bạn đã thực hiện, giúp da phục hồi tốt nhất sau quá trình peel.

    Việc tuân thủ đúng các bước trên không chỉ giúp bạn đạt hiệu quả cao mà còn đảm bảo an toàn cho làn da trong suốt quá trình peel.

    Peel da cần chú ý điều gì?

    Mặc dù peel da giải quyết khá nhiều các vấn đề trên da, tuy nhiên nếu da đang gặp các tình trạng sau thì không được thực hiện peel da hoá học: 

    • Da đang gặp vấn đề nhiễm trùng, nhiễm virus, nhiễm nấm. 
    • Da có vết thương hở. 
    • Da đang mắc những tình trạng viêm da như vảy nến, viêm da cơ địa. 
    • Có tiền sử dùng thuốc làm tăng nhạy cảm với ánh sáng. 
    • Đối với peel da trung bình - sâu: tiền sử có sẹo bất thường, sẹo lồi, hoặc dùng Isotretinoin trong vòng 6 tháng trước đó. 
    • Phụ nữ có thai. 

    Peel da là một phương pháp điều trị các vấn đề về da hiệu quả nhưng vẫn tồn tại những rủi ro nhất định. Tùy vào từng loại mà peel da có thể gây ra một số phản ứng như: 

    • Thay đổi sắc tố sau viêm (đốm thâm, đốm trắng)
    • Ban đỏ, ngứa rát.
    • Bong tróc bề mặt da,
    • Nhiễm trùng da kéo theo mụn trứng cá và mụn thịt.

    Mặc dù là khuynh hướng chăm da được ưa chuộng trong những năm gần đây nhưng để peel da an toàn, hiệu quả bạn nên tham khảo tư vấn từ chuyên gia Da liễu và lựa chọn sản phẩm cũng như nơi thực hiện uy tín. 

     

    Kem Dưỡng Ẩm & Giảm Nếp Nhăn Obagi Retinol 1.0 28g

    Retinol 1.0

    Mua sắm ngay bây giờ
    Kem Hỗ Trợ Phục Hồi & Ổn Định Hệ Vi Sinh Trên Da - Obagi Rebalance Skin Barrier Recovery Cream

    Kem dưỡng làm dịu và cân bằng hệ vi sinh OBAGI Medical Rebalance Skin Barrier Recovery Cream

    Mua sắm ngay bây giờ